Start-up: phải bắt đầu từ đâu và đi đến đâu?

Cuối cùng, xin được chia sẻ một vài phân tích cá nhân về tiềm năng cho start-ups ở thị trường Việt Nam.

Trong vài năm trở lại đây, “Start-up” (Khởi nghiệp) hay “Entrepreneurship” bắt đầu trở thành những từ khóa phổ biến, nhất là trong giới trẻ. Đó là một xu thế tất yếu, không ít những nhà kinh tế học nổi tiếng thế giới hiện nay xem entrepreneur[2] là động lực trung tâm của phát triển.

Jean-Baptise Say, tác giả cuốn Treatise on Political Economy (1803), đã bắt đầu đề cập đến entrepreneur như một nhóm doanh nghiệp đưa việc sử dụng các tài nguyên kinh tế (gồm tài chính, nhân lực và vật chất) lên một mức cao hơn về sự hiệu quả. Trong quá trình phát triển, khi đã sắp chạm ngưỡng giới hạn tự nhiên (về tài nguyên và điều kiện tự nhiên), nền kinh tế sẽ khó có thể tiếp tục tăng trưởng mà không có những sáng tạo và đột phá trong phương thức sản xuất. Entrepreneurship có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tìm ra và làm những việc chưa từng có tiền lệ, thúc đẩy việc tìm ra cái mới.

Trong bài viết này, từ góc nhìn kinh tế, tôi hy vọng có thể tiếp cận vấn đề entrepreneurship ở cả mặt tích cực và hạn chế, một cách khách quan (không “thần tượng hóa” và cũng không “vùi-dập-hóa”). Cuối cùng, xin được chia sẻ một vài phân tích cá nhân về tiềm năng cho start-ups ở thị trường Việt Nam.

Entrepreneur: Đón nhận rủi ro
Trong nhiều cuốn sách về Innovation Economics, đoạn nhắc về entrepreneurship, tác giả hay bắt đầu rằng: Càng ngày người ta càng lạm dụng từ entrepreneurs và rất nhiều trong số đó không hiểu hết ý nghĩa của từ này.

Tôi nhớ đến mấy năm trước khi còn học đại học năm nhất, năm hai, tôi đã bắt đầu được nghe về khái niệm “entrepreneur”, thường thường người ta hay so sánh “entrepreneur” với “manager” và lúc nào cũng khiến cho tôi thấy entrepreneurs như anh hùng áo vải vậy, rất “ngầu” – rất “chất”.

Nhưng để định nghĩa một cách bài bản hơn thì ta cần nhìn vào nguồn gốc, cũng như tính chất cốt lõi của entrepreneur (để theo sau bản chất cố loại đó là một loạt các hình thái khiến entrepreneur khác với manager). Từ “entrepreneur” được nhắc đến lần đầu bởi Jean-Baptise Say, nhà kinh tế học người Pháp, và nghĩa gốc của từ này là “adventurer”, nghĩa là nhà mạo hiểm.

Điều này vẫn đúng trong định nghĩa kinh tế ngày nay về entrepreneur, theo đó đặc điểm nổi bật nhất là: Xu hướng đón nhận rủi ro nhiều hơn những doanh nghiệp bình thường (Risk-takers).
Vậy chấp nhận rủi ro liên quan thế nào để đột phá kỹ thuật và nâng cao năng suất?

Nâng cao năng suất bắt nguồn từ những hiểu biết (knowledge) mới về khoa học, kỹ thuật và phương pháp sản xuất. Những hiểu biết này có thể tích lũy từ việc “làm lâu tay quen”, nhưng phần nhiều là kết quả của việc nghiên cứu và phát minh. “Sản xuất” ra những hiểu biết này đặc biệt tốn kém (gồm chi phí đào tạo chuyên gia, đầu tư thiết bị nghiên cứu và nhiều chi phí khác) và lại cực kỳ rủi ro. Có những nghiên cứu mà họ không biết chắc kết quả sẽ đến đâu, mất bao lâu để có thành phẩm, rồi sản phẩm tạo thành có được thị trường đón nhận không?

Nói tóm lại, đột phá sáng tạo và đưa ra những sản phẩm mới là việc làm chứa đầy rủi ro. Và, cách nhìn nhận về rủi ro của mỗi cá thể trong xã hội lại khác nhau: có người ưa rủi ro và có người sợ rủi ro. Chính nhờ sự khác biệt này mà trong xã hội tồn tại một nhóm người có mức chấp nhận rủi ro cao hơn và họ trở thành entrepreneurs. Tạo ra một sự phân chia trách nhiệm và cân bằng trong xã hội, có những người tập trung sản xuất dựa trên nền tảng đã có, cũng có người mày mò và “mạo hiểm” khám phá giá trị mới. Sự cân bằng là hết sức quan trọng, xã hội gồm toàn những người ưu rủi ro hay toàn những người an toàn chắc ăn thì đều không ổn.

Cá nhân tôi cho rằng giữa “start-up” (khởi nghiệp) và “entrepreneur” có điểm khác biệt. Start-up theo định nghĩa trong từ điển là bắt đầu kinh doanh, như vậy sẽ gần hơn với từ “khởi nghiệp” và vẫn chưa bao hàm hết vai trò của entrepreneurship trong tăng trưởng năng suất thông qua việc chấp nhận rủi ro để tạo ra giá trị “chưa từng có”.

Doanh nghiệp nhỏ vs. Doanh nghiệp lớn
Entrepreneurs cũng hay được nhắc đến như những doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs[3]). Hai khái niệm này thường xuyên được sử dụng như nhau. Dù hai khái niệm có những sự khác biệt bản chất, như đã đề cập entrepreneurs gắn với sự chấp nhận rủi ro, SMEs chỉ đề cập đến quy mô doanh nghiệp và chưa bao hàm yếu tố rủi ro. Như cô bán bánh mì đầu hẻm cũng có thể xem là SME nhưng không hẳn là entrepreneur.
Trong phần này, tôi sẽ bàn về quy mô của doanh nghiệp (firm size) và mức độ phát kiến sáng tạo (innovation). Khi gộp chung Entrepreneurs và SMEs, chúng ta dễ nghĩ rằng doanh nghiệp càng nhỏ càng sáng tạo, vì họ linh động hơn trong việc thay đổi và ra quyết định. Doanh nghiệp càng lớn thì họ sẽ khó thích ứng với những đổi mới.

Schumpter (1942) đưa ra giả thuyết về mối quan hệ giữa quy mô và sự sáng tạo bằng đồ thị chữ U (như hình vẽ).

Nhận định rằng doanh nghiệp nhỏ sẽ linh động và sáng tạo hơn doanh nghiệp lớn “đúng một nửa” trong mô hình này. Cụ thể là nằm ở phần B của đồ thị, ở đó khi quy mô doanh nghiệp tăng lên thì khả năng linh động sáng tạo giảm xuống. Có thể giải thích rằng, khi doanh nghiệp lớn thì việc giao tiếp và ra quyết định sẽ khó khăn hơn (chẳng hạn phải chờ ý kiến của cấp trên và cấp trên của cấp trên).
Nhưng nếu một doanh nghiệp quá nhỏ, nằm vào phần A của đồ thị, thì họ thiếu quá nhiều nguồn lực và vốn đầu tư để có thể đầu tư sáng tạo, nghiên cứu đột phá, nên họ sẽ mắc kẹt mà không thể phát triển sáng kiến được.

Vậy để đạt được kết quả tốt nhất, doanh nghiệp phải vừa đảm bảo sự linh động (ưu thế của doanh nghiệp nhỏ) và cả khả năng tiếp cận các nguồn lực (ưu thế của doanh nghiệp lớn). Đây chính là lúc cần những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho các quỹ khởi nghiệp, quỹ đầu tư cho các dự án kinh doanh mới. Mục tiêu của tất cả những chính sách này là cân bằng cả hai yếu tố cần cho sự sáng tạo và thúc đẩy khả năng sáng tạo ở doanh nghiệp.

Vai trò của entrepreneur và start-up với thị trường lao động
Bên cạnh những ý nghĩa như tạo ra các sản phẩm mới, cống hiến các thành tựu về cải cách khoa học, kỹ thuật, entrepreneur còn có một ý nghĩa đặc biệt với thị trường lao động. Cụ thể, các nghiên cứu cho thấy, so với các doanh nghiệp truyền thống, các doanh nghiệp start-up tạo ra nhiều việc làm hơn (công ty mới thành lập) và đồng thời cũng dễ khiến nhiều người thất nghiệp hơn (công ty bị phá sản). Nhưng nếu đem hai xu hướng bù trừ thì entrepreneur vẫn cải thiện vấn đề việc làm đáng kể. Nhất là trong các thời kỳ biến động kinh tế, entrepreneur lại tỏ ra cực kỳ linh động, thích ứng và “cứu” thị trường lao động.

Trong các chính sách tạo việc làm, cải thiện tỷ lệ thất nghiệp hiện nay, chính phủ các nước đặc biệt tập trung vào phía SMEs và entrepreneurs. Vì nhóm này linh động và có nhiều tiềm năng tạo ra các vị trí tuyển dụng hơn so với các công ty lớn.

Thiếu hiểu biết và quá mạo hiểm
Nhưng xu thế khởi nghiệp ào ạt và khuyến khích start-up mọi lúc mọi nơi ẩn chứa những rủi ro nhất định. Khi việc start-up càng ngày càng trở nên dễ dàng dưới sự tạo điều kiện của nhiều bên, khi start-up càng ngày càng được “PR” và “tuyên truyền” tích cực, thì nhóm người “ưa mạo hiểm” sẽ tăng một cách đột biến và họ chọn “dấn thân” dù chưa hẳn họ có đủ những tố chất và khả năng cần thiết.

Chúng ta hay động viên nhau “Thất bại là mẹ thành công”. Nhưng nhìn nhận một cách “kinh tế” hơn, đồng ý chúng ta sẽ rút ra được bài học nào đó sau mỗi vấp ngã, nhưng thất bại luôn có cái giá của nó. Mỗi một lần thất bại chúng ta đều đã lãng phí nhiều tài nguyên, gồm thời gian, tiền của và công sức. Tất cả những tài nguyên đó đều có hạn và chúng ta luôn đối diện với sự “đánh đổi”, khởi nghiệp nghĩa là bỏ việc công ty, là bỏ học. Nếu cộng hết cả chi phí cơ hội và chi phí mất mát, thì “thất bại” là một thứ hàng hóa xa xỉ mà chúng ta không nên vung tay quá trán.

Được thúc đẩy bởi tất cả những hỗ trợ để khởi nghiệp, kèm theo những ví dụ thành công và những lời quảng cáo ra rả, đáng lo rằng chúng ta đang có một nhóm không ít những người khởi nghiệp: nhiệt tình thái quá, thiều cái nhìn đầy đủ và rất dễ thất bại.

Dự đoán tiềm năng start-up ở Việt Nam
Nhiều người vẫn nói về Việt Nam một cách đầy lạc quan như một thị trường tiềm năng và có sức tiêu thụ mạnh. Bằng chứng dễ thấy là số lượng start-ups ở Việt Nam ngày càng tăng, có thêm rất nhiều loại hình dịch vụ mới và nhiều ông lớn đã tìm cách đặt chân lên thị trường này.

Tuy nhiên, tôi cho rằng sự phát triển của thị trường Việt Nam (nếu không có những thay đổi phù hợp) sẽ diễn biến theo xu thế tự nhiên của đồ thị chữ S (hình vẽ).


Việt Nam là một thị trường đang lớn. Điểm hấp dẫn nhất của thị trường này là chưa bị khai thác nhiều. Chúng ta là mảnh đất còn rất mới mẻ, Starbuck và theo sau là Mc Donald chỉ vừa tiến vào cách đây vài năm. Thị trường Việt Nam ngày càng trở nên nhộn nhịp nhờ những thiếu hụt nguồn cung trước đó. Start-ups và các doanh nghiệp nhảy vào Việt Nam đang phát triển mạnh nhờ đắp vào chỗ trống chưa khai thác.

Sớm muộn gì cũng sẽ đến lúc thị trường Việt Nam chững lại khi đã đạt đến điểm bão hòa tự nhiên. Bởi:

Một là, Việt Nam là một quốc gia nhỏ. Xét về mặt dân số, không thể tạo ra thị trường tiêu thụ rộng lớn với số lượng người tiêu dùng cao.

Hai là, Việt Nam là quốc gia có thu nhập bình quân đầu người thấp, gắn liền với sức mua cũng thấp.

Nói như vậy có nghĩa: Nếu start-up ở Việt Nam tiếp tục phát triển theo định hướng hiện tại là cung cấp chủ yếu tập trung vào dịch vụ, các giá trị cung cấp cũng na ná nhau và chỉ vỏn vẹn loay hoay trong “sân chơi” thị trường Việt Nam thì chúng ta chỉ có thể tận hưởng sự tăng trưởng nhanh trong ngắn hạn. Về dài hạn, khi thị trường đã được khai thác, những thiếu hụt về nhu cầu đã được lấp đầy, thì sự phát triển sẽ dừng lại.

Điều cần thiết là chúng ta phải quan tâm đến chất lượng thay vì chỉ lạc quan dựa trên sự tăng lên của con số. Thay vì start-up ồ ạt, chúng ta, từ nhà nước, các tổ chức, trường học cho đến mỗi cá nhân có ý định start-up, cần có định hướng và chiến lược hết sức cẩn thận và rõ ràng. Để đạt được sự phát triển lâu dài, ta cần những start-ups tạo ra sản phẩm có thể thuyết phục được cả thị trường ngoài nước, và thuyết phục bởi cả chất lượng và giá trị sáng tạo chứ không đơn thuần giá thấp vì nhân công rẻ. Để có được điều đó, start-ups cần có sự đầu tư chất xám, hơn là trang bị đơn thuần kỹ năng mềm. Cần có bản lĩnh đột phá và cái nhìn sắc sảo, hơn là đơn thuần chạy theo xu hướng, nắm bắt những cơ hội nhất thời để chiều chuộng đám đông.

Kết

Như vậy entrepreneur là nhóm doanh nghiệp đặc biệt, bởi đặc tính đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển những giá trị mới, bao gồm công nghệ mới, cách thức sản xuất mới, dịch vụ mới (không nhất thiết gói gọn trong lĩnh vực IT như một số quan điểm). Vì đặc tính ưa rủi ro để tạo ra những giá trị chưa từng có, entrepreneur đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất và tạo động lực phát triển kinh tế.

Dù rằng nhiều SMEs và start-up vẫn nhận vơ mình là entrepreneurs, Entrepreneur khác với SMEs (vì SMEs chỉ đề cập đến quy mô) và khác với start-up (chưa bao hàm được ý nghĩa tạo ra giá trị đột phá). Cả entrepreneurs, SMEs và start-ups đều tạo ra việc làm cho thị trường lao động. Qua biểu diễn bằng đồ thị chữ U mối quan hệ giữa quy mô và khả năng sáng tạo, ta có thể thấy các doanh nghiệp nhỏ có những lợi thế và hạn chế riêng. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ là để cân bằng lợi thế và thúc đẩy sự sáng tạo.

Cuối cùng, xu hướng phát triển của cho start-up ở Việt Nam được mô tả bằng đồ thị chữ S, để nhấn mạnh nếu thiếu sự định hướng và đầu tư đúng đắn, sớm muộn, thị trường Việt Nam sẽ chạm ngưỡng bảo hòa và không còn tăng trưởng mạnh nữa. Cụ thể, các start-up Việt Nam cần tập trung vào các giá trị mới, có sự đầu tư chất xám để sản phẩm đủ tính thuyết phục với cả thị trường trong và ngoài nước (Như thế, start-up mới thật sự là entrepreneur)

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *