Sinh viên đi làm bán thời gian: Lợi thì chưa thấy đâu mà hại đã tới

Tuy nhiên, một số nhà tuyển dụng cho rằng, tìm việc làm thêm như thế nào và dành thời gian cho nó ra sao, lại là một vấn đề mà sinh viên cũng cần phải cân nhắc. Sinh viên cần cố gắng kiếm một công việc gần gũi với ngành mình theo học và biết cách sắp xếp thời gian hợp lý để việc học không bị ảnh hưởng.

Nhiều trung tâm môi giới việc làm lừa đảo

Hiện nay, sinh viên làm thêm với nhiều lý do như kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình, lấy kinh nghiệm hoặc tận dụng thời gian rảnh rỗi. Có cung ắt có cầu, các trung tâm môi giới việc làm mọc lên như nấm, kéo theo những mánh lới tinh vi hòng moi túi tiền vốn đã eo hẹp của sinh viên. Đặc biệt vào dịp cuối năm, những trung tâm này lại càng hoạt động nhộn nhịp. Ngọc Anh (ĐH Khoa học tự nhiên) tìm đến một trung tâm giới thiệu việc làm ở Khương Trung để tìm việc.

Ở đây, cậu trở thành miếng mồi ngon mà đến giờ, khi nhắc lại, cậu vẫn thắc mắc bởi không hiểu vì sao mình bị lừa. “Bắt đầu bằng những lời hứa hẹn mùi mẫn như lương hậu hĩnh, công việc nhàn hạ, đúng chuyên môn… kế đến là thủ tục nộp lệ phí và hồ sơ (với mức giá dao động từ 30 – 50 ngàn đồng/bộ). Nhưng khi báo đến tuyển dụng, khâu chuẩn bị giấy tờ vô cùng phiền phức như tạm trú, tạm vắng, thẻ sinh viên…thậm chí có nơi còn đòi cả hộ khẩu. Đến khi đủ thủ tục rồi thì Ngọc Anh nhận được câu trả lời ráo hoảnh từ phía trung tâm: “Vì em chậm quá nên công việc có người nhận rồi”. Tiếp theo là hứa hẹn của trung tâm cùng những ngày tháng ăn chực, nằm chờ. Đến khi không đủ kiên nhẫn nữa, cậu đòi lại tiền thì phía trung tâm ngang nhiên xù nợ mà không đưa ra bất cứ lý do gì. Lúc đó, Ngọc Anh chỉ biết ngậm ngùi ra về và tự an ủi rằng mình đã có một bài học nhớ đời.

Thực tế hiện nay, phần lớn các trung tâm giới thiệu việc làm thêm cho sinh viên chỉ chú trọng lợi nhuận của họ mà không nghĩ đến công việc đó sẽ mang lại lợi ích gì cho sinh viên. Đó là nguyên nhân dẫn đến việc sinh viên Việt Nam ít có cơ hội tiếp xúc thực sự với các công việc bổ ích cho việc học của mình.

Qua tìm hiểu của phóng viên, số sinh viên theo học tại các trường cao đẳng, đại học phải học lại, thậm chí buộc thôi học, lên tới hàng trăm sinh viên mỗi năm. Thừa nhận điều này, ông Nguyễn Đình Thi – Trưởng phòng đào tạo Đại học Xây dựng cho biết, đợt thu học phí học kỳ 1 năm nay, có nhiều sinh viên đăng ký học tín chỉ cho những môn học lại. Một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả này là sinh viên mải làm thêm kiếm tiền nên không còn thời gian đến giảng đường học tập. Còn theo ý kiến của các sinh viên, phần lớn họ đều thừa nhận việc đi làm thêm ảnh hưởng khá nghiêm trọng tới việc học của mình.

Nên làm thêm những công việc có lợi cho học tập

Trên thực tế, các nhà tuyển dụng đánh giá rất cao những sinh viên mới tốt nghiệp mà có nhiều trải nghiệm, kỹ năng làm việc tốt. Tuy nhiên, một số nhà tuyển dụng cho rằng, tìm việc làm thêm như thế nào và dành thời gian cho nó ra sao, lại là một vấn đề mà sinh viên cũng cần phải cân nhắc. Sinh viên cần cố gắng kiếm một công việc gần gũi với ngành mình theo học và biết cách sắp xếp thời gian hợp lý để việc học không bị ảnh hưởng.

Ông Đào Công Duy – Công ty cổ phần và phát triển dịch vụ Châu Á (CSG) nhận định: “Sinh viên đi làm thêm là rất tốt, nhưng cần phải biết năng lực của mình có đáp ứng được việc vừa học, vừa làm hay không? Nhiều sinh viên không kiểm soát được thời gian dẫn đến kết quả không mong muốn là bị thôi học. Cần phải hiểu rằng, học ĐH đòi hỏi sự tập trung, nghiêm túc để lĩnh hội kiến thức chính quy, nền tảng phát triển nghề nghiệp sau này”.
Tại cuộc hội thảo: “Đường tới tương lai” nhằm mục đích định hướng nghề nghiệp cho sinh viên mới được tổ chức gần đây, TS Lê Thẩm Dương cho biết, ở Mỹ, có đến hơn 78% sinh viên đi làm thêm khi còn đang học đại học. Đối với các nước Châu Âu và Châu Mỹ việc đi làm thêm được họ rất quan tâm chú trọng và có những chế tài và quy định rõ ràng cụ thể. Vì vậy sinh viên có thể vừa làm thêm nhưng vẫn học tập và rút được ra nhiều kỹ năng, kinh nghiệm.

Từ thực trạng bát nháo khi sinh viên đi làm thêm ở Việt Nam, TS.Lê Thẩm Dương đưa ra quan điểm: “Kinh nghiệm không phải chỉ có va đập bên ngoài cuộc sống tạo ra, mà ngay khi trên ghế nhà trường các bạn đã được học rất nhiều kinh nghiệm từ những chuyến đi kiến tập, thực tập và thực hành trên lớp. Nếu hoàn cảnh thực sự khó khăn, buộc bạn phải giúp đỡ gia đình thì hãy nên làm thêm những công việc mang lại lợi ích cho việc học tập như xin làm việc tại cửa hàng sửa chữa đồ điện nếu bạn học ngành điện tử – điện lạnh hay cộng tác với báo chí nếu bạn học chuyên ngành về báo chí”.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *