FOOD PHOTOGRAPHER Những nhiếp ảnh gia đam mê ẩm thực

Điều khác biệt ở đây chính là đối tượng chụp hình là đồ ăn, do đó người chụp ảnh cần phải chụp làm sao để không chỉ làm nổi bật màu sắc và hình ảnh của món ăn mà còn phải làm toát lên được hương vị và thần thái của món ăn đó.

Đã bao giờ bạn cảm thấy trầm trồ xuýt xoa trước những bức hình đồ ăn long lanh trong menu của nhà hàng đến nỗi mà bạn chỉ muốn lôi chúng ra khỏi khung hình và thưởng thức ngay lập tức? Bạn có bao giờ tò mò về những người đã tạo nên những hình ảnh tuyệt vời đó và quá trình sáng tạo như thế nào? Có thể bạn chưa biết là có một nghề gọi là – những người đam mê nhiếp ảnh thể hiện tình yêu không biên giới của mình đối với ẩm thực qua những bức hình đồ ăn đầy tính nghệ thuật.

Food photographer thì làm gì?

Đúng như tên gọi, food photographer có thể hiểu đơn giản là những người chụp ảnh đồ ăn, thổi hồn cho món ăn, khiến cho người xem có thể cảm nhận được vẻ đẹp và sự tinh tế của chúng.

Nhiều người nhầm tưởng food photographer và food stylist là một, nhưng hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau đấy nhé! Food stylist là những người chịu trách nhiệm chuẩn bị bát đĩa trang trí, bày biện món ăn và hỗ trợ food photographer tác nghiệp trong điều kiện tốt nhất.
Nhưng có nhiều khi food photographer có thể kiêm luôn vai trò của food stylist, việc này đòi hỏi họ phải có một kiến thức nhất định về thức ăn và thậm chí phải biết nấu ăn.

So với các phó nháy khác thì food photographer có gì đặc biệt?

Điều khác biệt ở đây chính là đối tượng chụp hình là đồ ăn, do đó người chụp ảnh cần phải chụp làm sao để không chỉ làm nổi bật màu sắc và hình ảnh của món ăn mà còn phải làm toát lên được hương vị và thần thái của món ăn đó.

Để làm được điều này thì ngoài các kĩ thuật chụp hình một food photographer phải nắm chắc, họ phải phối hợp thật chặt chẽ và ăn ý với các food stylist sao cho đồ ăn luôn được giữ tươi nguyên và đúng tính chất.
Ngoài ra, food photographer cũng cần phải có thêm những kiến thức về đặc thù của món ăn để có thể “cảm” hơn và sáng tạo nên những tấm hình độc đáo.

Công việc cụ thể của một food photographer

Hãy tưởng tượng trong một buổi chụp hình với ekip lên đến 6 – 7 người thì food photographer chính là người đứng lom khom quanh bàn ăn và liên tục bấm bấm nháy nháy.
Có thể nói công việc chính của food photographer là chụp hình, do vậy họ sẽ chịu trách nhiệm về tất cả mọi thứ thuộc về kĩ thuật chụp ảnh như ánh sáng, máy móc và chỉnh sửa hình ảnh để tạo ra sản phẩm cuối cùng.


Ánh sáng là một yếu tố vô cùng quan trọng trong nhiếp ảnh nói chung và food photography nói riêng. Giả sử bạn phải chụp một chiếc bánh sinh nhật trắng muốt lộng lẫy nhưng cuối cùng lên ảnh lại thành ra một chiếc bánh xám xịt ảm đạm vì thiếu sáng? Do đó, đối với food photographer, chọn lựa điều kiện để chụp hình sao cho bức ảnh không quá thừa sáng mà cũng không quá thiếu sáng là vô cùng quan trọng. Với điều kiện chụp hình ở ngoài trời hoặc trong studio, food photographer cần phải lưu ý sử dụng linh hoạt các dụng cụ chắn sáng, phản sáng, tản sáng, hắt sáng hoặc sử dụng đèn tùy từng trường hợp.
Ngoài ra, các food photographer phải hiểu rõ kĩ thuật sử dụng máy móc và các khái niệm khác trong nhiếp ảnh như DOF (độ sâu trường ảnh) hay WB (cân bằng sáng). Thông thường một bức ảnh chụp đồ ăn chỉ đẹp khi nó nét và những phần còn lại được làm “mờ mờ ảo ảo”, do đó việc đặt góc máy như thế nào và cách sử dụng các hiệu ứng của máy ảnh để chụp đòi hỏi food photographer phải có sự nghiên cứu và thực hành liên tục.
Sau khi hoàn tất chụp hình, công việc cuối cùng của food photographer để tạo ra một bức ảnh long lanh chính là chỉnh sửa hình ảnh (retouch).

Cơ hội nghề nghiệp

Hiện nay ở Việt Nam, food photography không còn được coi là một lĩnh vực “lạ hoắc” nhưng nó vẫn chưa thực sự được nhiều người quan tâm. Chưa có một trường học nào đào tạo chính thống về nghề này mà đa phần các photographer khi lấn sân sang food photography đều phải tự học qua sách vở và một vài workshop hiếm hoi.
Đa số các food photographer làm freelance, nên thu nhập lên xuống không ổn định. Tuy nhiên, không thể nói rằng food photography là một nghề không triển vọng và không đem lại thu nhập cao.
Từ các nhãn hàng đình đám như Kinh Đô, Aji-ngon,… cho đến các hệ thống nhà hàng, quán cà phê lớn như Pizza-hut, Domino Pizza, Dunkin’ Donut, The Kafe,…đều dành ra một khoản ngân sách không nhỏ cho việc quảng cáo sản phẩm của mình. Giá một hợp đồng cho những dự án như vậy thường không dưới 1000 USD và được chi trả cho một ekip bao gồm 4 thành viên: food photographer, food stylist, nhà sản xuất và một trợ lý.

Hiện nay, food photographer thường làm việc cho các studio, các công ty cung cấp dịch vụ chụp ảnh hoặc tự làm một mình. Một số studio ở Việt Nam mà các food photographer có thể “gửi gắm” vào như BITE studio, Spotlight Studio, hay ZG Fairyland. Nếu làm việc độc lập, việc xây dựng cho mình một trang blog hoặc một portfolio đẹp lung linh là điều mà các food photographer nên làm.
Do vậy, nếu bạn đã có sẵn trong mình niềm đam mê mãnh liệt với nhiếp ảnh và đồ ăn, vậy thì tại sao không cho mình một cơ hội để thử sức và làm mới mình trong một lĩnh vực đầy thử thách nhưng cũng không kém phần thú vị này?

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *